Ho Chi Minh City
July 31, 2020

Vietnamese green building market: Potentials and opportunities

Màu xanh không chỉ là từ dùng để chỉ màu của thiên nhiên và cây cỏ, mà dần trở thành khái niệm về một xu hướng phát triển cho ngành xây dựng trên toàn thế giới. Được đề cập đến lần đầu tiên vào năm 1990...

Màu xanh không chỉ là từ dùng để chỉ màu của thiên nhiên và cây cỏ, mà dần trở thành khái niệm về một xu hướng phát triển cho ngành xây dựng trên toàn thế giới. Được đề cập đến lần đầu tiên vào năm 1990, và dần trở thành phổ biến vào năm 2002 với sự ra đời của Hội đồng Công trình Xanh Thế giới, “Xây dựng Xanh” (hay “Xây dựng bền vững”) đã có tác động toàn diện và mạnh mẽ tới ngành xây dựng ở quy mô toàn cầu. Mặc dù xu hướng này đã được khởi xướng vào 2007 cho đến nay, nhưng thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam vẫn đang ở những bước đầu của giai đoạn phát triển. 

Theo thống kê, tại Việt Nam có khoảng 61 công trình xanh ở các giai đoạn khác nhau (trong đó có 36 dự án theo chứng nhận LEED (Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ - USGBC), 13 dự án theo chứng nhận LOTUS (Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam - VGBC) và khoảng 12 dự án theo chứng nhận Green Mark (Bộ Xây dựng Singapore - BCA)). Con số này được nhìn nhận là thấp so với hơn 2100 dự án tại Singapore (theo chứng nhận Green Mark) hoặc hơn 750 dự án tại Úc (theo chứng nhận Green Star), do các điều kiện đặc thù tại Việt Nam. Tuy vậy, thị trường Công trình Xanh tại Việt Nam vẫn được đánh giá tiềm năng với rất nhiều cơ hội phát triển trong những năm tới. 

Thời gian đầu, những động lực chính để các công trình đi theo xu hướng xây dựng Xanh và Bền vững đến từ các “Chương trình Trách nhiệm Xã Hội” của các tập đoàn lớn, hoặc nằm trong các chiến lược quảng bá hình ảnh sản phẩm và thương hiệu, cũng như mục đích để giảm thiểu chi phí vận hành (ví dụ của Tập đoàn Big C Việt Nam (bán lẻ), Công ty Taekwang Vina (da giầy), Tập đoàn Intel (công nghệ), Coca-Cola Việt Nam (đồ uống), Tập đoàn Pou Chen (da giầy)). Điều này lý giải phần lớn những chủ đầu tư/sở hữu công trình xanh đều là các tập đoàn/công ty quốc tế hoặc đa quốc gia, với sự nhìn nhận đúng đắn và rõ ràng về lợi ích của công trình xanh. 

Ngoài ra, một số hạn chế khác cũng đã tồn tại và cản trở sự phát triển của công trình xanh tại Việt Nam. Điển hình như việc nhìn nhận thiếu đầy đủ của những bên liên quan về công trình xanh, đặc biệt là về chi phí xây dựng công trình xanh và khái niệm bền vững trong công trình. Các chủ đầu tư trước đây vẫn có quan niệm rằng chi phí xây dựng Công trình xanh thường yêu cầu thêm 20-30% chi phí đầu tư ban đầu, hoặc một số chủ đầu tư vẫn quảng bá các công trình “Xanh” nhưng thiếu các thông tin về hiệu quả sử dụng tài nguyên của công trình, cải thiện tiện nghi của người sử dụng và giảm thiểu các tác động tiêu cực tới môi trường. Hơn nữa, việc các tiêu chuẩn xây dựng không được triển khai và tuân thủ nghiêm ngặt cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường công trình xanh và ngành xây dựng. Giới hành nghề xây dựng trong nước còn chưa được tiếp cận rộng rãi với các khái niệm, kỹ năng, công nghệ về thiết kế và xây dựng công trình xanh, khiến cho việc phát triển công trình xanh trước đây còn gặp phải không ít khó khăn. 

Diamond Lotus – Quận 08, TP. Hồ Chí Minh 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, “nhu cầu của thị trường” và “cơ hội thu hút khách hàng” đang dần trở thành một trong những động lực quan trọng để “xanh hóa” công trình, dự án, minh chứng bởi việc một dự án chung cư của Tập đoàn Phúc Khang – dự án Diamond Lotus trở thành dự án chung cư đầu tiên đăng ký chứng nhận LEED tại Việt Nam. Ngoài ra, để dễ dàng xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường mới và yêu cầu cao (Bắc Mỹ, khu vực Asean, Liên minh Châu Âu), một vài tập đoàn lớn đã quyết định xây dựng các nhà máy theo các tiêu chuẩn Công trình Xanh (nhà máy Bel Greenfield Asean – Bình Dương, hay nhà máy may mặc Deutsche Bekleidungswerke - Long An), cũng như thiết lập các chiến lược và dây chuyền sản xuất sử dụng tài nguyên hiệu quả, cam kết sản xuất sản phầm theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Công trình President Place tại TP. Hồ Chí Minh (tòa nhà văn phòng đạt chứng nhận LEED Vàng 2012) đã tận dụng lợi thế của chứng nhận Công trình Xanh để đạt được 80% tỷ lệ lấp trống khu vực văn phòng trong vòng 1 năm kể từ khi hoàn thành, với những khách hàng đến từ các tập đoàn lớn và đa quốc gia như Microsoft, Starbucks, Sony,... 

Trái ngược hoàn toàn với quan niệm “Xây dựng Công trình Xanh rất tốn kém”, chi phí gia tăng cho việc xây dựng công trình xanh trên thực tế chỉ dao động từ 1% đến 5%, phụ thuộc vào mức độ chứng nhận công trình xanh mong muốn và chi phí đầu tư ban đầu. Dựa trên nghiên cứu về các dự án công trình xanh tại Việt Nam, chi phí gia tăng trung bình là 1.8% đến 2%. Chi phí gia tăng này bao gồm chi phí cho việc thiết kế và nghiên cứu chuyên sâu, chi phí tư vấn chứng nhận công trình xanh và chi phí cho thiết bị, vật liệu phù hợp các yêu cầu của công trình xanh. Tại thời điểm hiện giờ, các sản phẩm và dịch vụ công trình xanh đã trở nên khá phổ biến tại Việt Nam và khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, nhờ sự cải thiện và nâng cao nhận thức của thị trường địa phương. Các nỗ lực từ phía chính phủ và các cơ quan nhà nước cũng đáng được ghi nhận bằng các hoạt động về tập huấn về Quy chuẩn Quốc gia về Công trình Sử dụng Năng lượng hiệu quả (QCVN 09:2013/BXD), hoặc các ưu đãi về Hệ số sử dụng đất cho các Công trình thân thiện với môi trường tại TP. Hồ Chí Minh. Trong thời gian sắp tới, ngành xây dựng và bất động sản sẽ sớm có thông tin về gói ưu đãi từ Chương trình Đầu tư Công trình Xanh, phát triển bởi Tổ chức Tài chính Quốc tế - Ngân hàng Thế giới (IFC-WorldBank) nhằm khuyến khích đầu tư công trình xanh và sử dụng năng lượng hiệu quả tại Việt Nam.

Nhờ các tín hiệu tích cực, các nỗ lực từ phía các bên liên quan trong ngành xây dựng, thị trường xây dựng Việt Nam trong thời gian tới sẽ có nhiều tiềm năng và cơ hội để “đổi màu xanh”, dưới sự phối hợp chặt chẽ của chính phủ, khối học thuật và tư nhân.

Copyright © 2020 - 2020 by ARDOR

Website Design & Development by Align 1

facebookyoutube-playinstagram